Áo Tràng Đi Chùa – Nét Đẹp Tôn Nghiêm Chốn Thiền Môn

Thời Trang Pháp Phục - Nét Đẹp Giản Dị Bình Yên Nơi Cửa Phật

Áo Tràng Đi Chùa – Nét Đẹp Tôn Nghiêm Chốn Thiền Môn

Nhiều năm qua, hiện tượng ăn mặc phản cảm của một bộ phận giới trẻ nơi cửa thiền liên tục diễn ra, nhất là vào dịp Tết, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng đó, nhiều chùa đã tiến hành đặt các tủ áo tràng, hay những tấm khăn che (sarong), dành riêng cho du khách có nhu cầu đến viếng chùa, lễ Phật, mà trang phục chưa được trang nghiêm. Điều này không chỉ giúp chấn chỉnh văn hóa lễ nghi chốn thiền môn, mà còn góp phần xây dựng nét đẹp của văn hóa Phật giáo trong tổng thể văn hóa chung của người Việt Nam…

Chiếc áo của khiêm cung, giản dị

Nhắc đến Phật giáo là nhắc về người tu sĩ với hình ảnh “đầu tròn áo vuông”, tức người cạo bỏ râu tóc và khoác lên mình tấm y áo cà sa (kasāya), với nhiều mảnh vải ghép lại trông như thửa ruộng, nên cũng thường được gọi là “phước điền y”. Bên cạnh chiếc y vàng, biểu tượng cao quý của người xuất gia, thì đối với Phật giáo Việt Nam, còn có tấm áo nhật bình, vạt hò, áo tràng xiên với các màu nâu, lam… là những pháp phục quen thuộc, gần gũi của người tu sĩ.

Áo tràng là trang phục phù hợp khi đi lễ chùa
Áo tràng là trang phục phù hợp khi đi lễ chùa

Giới cư sĩ – cận sự nam, nữ muốn noi theo đời sống giản dị của người xuất gia, mỗi khi đến chùa, nhiều người cũng đã lựa chọn cho mình những kiểu áo vạt hò nguyên bản hoặc cách điệu. Đặc biệt khi lễ Phật hay tham dự các khóa lễ, quý Phật tử thường mặc áo tràng – loại áo dài hai vạt, tay dài nhưng không rộng như chiếc áo hậu của quý Tăng Ni. Chiếc áo tràng, vì vậy, nghiễm nhiên trở thành pháp phục của người Phật tử.

Theo đặc thù của từng vùng miền, Phật tử miền Bắc thường chọn sắc phục nâu, Phật tử miền Nam thường chọn sắc lam, có lẽ do xuất phát dựa vào khí hậu đặc trưng vùng miền. Dù màu nào thì chiếc áo tràng vẫn biểu hiện cho sự khiêm cung, giản dị, nhu hòa, bình đẳng, là sự nhắc nhở thường xuyên về chánh giới và phòng hộ các căn đối với những ai khoác lên mình tấm áo nhu hòa, giản dị mà tôn quý này.

Màu sắc áo tràng
Màu sắc áo tràng

Chấn chỉnh tác phong đến chùa từ tủ áo tràng

Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, tấm áo tràng là pháp phục để trang nghiêm tự thân. Không chỉ dành cho khi đến chùa, nhiều cư sĩ tại gia lúc công phu tụng niệm, tọa thiền, trì chú… ở nhà cũng tề chỉnh chuẩn bị cho mình tấm áo tràng, thể hiện sự cung kính khi đối trước Tam bảo.

Song, khác với những Phật tử thường xuyên đi chùa, có kiến thức cũng như ý thức về tác phong nơi chốn thiền môn, phần lớn người đến chùa vẫn xa lạ với việc mặc áo tràng để lễ Phật tại chánh điện, âu đó cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, không có cơ sở tự viện nào đặt ra quy định bắt buộc đối với người vào lễ Phật, hay tham dự các khóa lễ, Phật sự… phải mặc áo tràng, vì tất nhiên “chiếc áo không làm nên người tu”. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của hình sắc trong văn hóa Phật giáo, cụ thể ở đây là lợi ích mà tấm áo tràng mang lại cho người mặc khi đến chùa. Bởi, khi khoác lên mình tấm áo tràng, nghĩa là ai cũng như ai, giản dị, bình đẳng trong sắc nâu sồng hay màu khói hương thân thương; như vậy đồng nghĩa với việc mọi rào cản, ranh giới về giai cấp, tầng lớp xã hội được gạt bỏ, mọi mặc cảm được xoa dịu và hơn thua dường như cũng đều được xóa đi. Tất cả chỉ nhìn nhau như “người một nhà” với cùng một đặc điểm, đó là chiếc áo tràng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *